NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

tải về file văn bản

NHỮNG NÉT ĐẶC THÙ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, XÃ HỘI, CON NGƯỜI, TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG, VV… ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

Bài của Giáo Sư Tiến Sĩ LƯƠNG MINH ĐÁNG

Lịch sử, dân tộc, đất nước, con người nào cũng có những nét đặc thù, đặc biệt; con người, đất nước, dân tộc, lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam cũng có những nét đặc biệt đặc thù; hình thể địa lý Việt Nam dài và cong như chữ S, hình thành 3 miền riêng biệt Bắc Trung Nam, có những tính chất địa lý, lịch sử, phong thổ, khí hậu, nhân văn, vân vân, hoàn toàn khác biệt nhau. Mỗi miền đất nước Việt Nam có những nét đặc thù văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng. khác biệt. Việt Nam nói chung, có 4 ngàn năm lịch sử cho nên có nhiều thay đổi thăng trầm, làm nên rất nhiều đặc điểm đặc thù lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, vân vân. Miền Nam chỉ có lịch sử 300 năm, nhưng vẫn có rất nhiều nét đặc biệt đặc thù hầu như trên tất cả các mặt: địa lý, nhân văn, phong thổ, khí hậu, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, vv.

Nói lịch sử Việt Nam có 4 ngàn năm, hay có người nói 5 ngàn năm, là chỉ nói riêng phần lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là vùng châu thổ sông Hồng, phần lãnh thổ đầu tiên của hai ông bà Tổ Tiên dân tộc Việt là ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ dựng nên. Thực ra thì không ai có thể biết rõ năm tháng nào, thời đại nào, thời kỳ nào dân tộc Việt Nam đã đến định cư trên phần đất Bắc Việt ngày nay, cho nên không ai có thể nói chắc là Việt Nam có bao nhiêu năm lịch sử. Cũng không ai biết có dân tộc nào định cư trên phần đất trung châu Bắc Việt trước khi dân tộc Việt Nam di cư đến, nhưng có rất nhiều chứng cứ để chúng ta có thể khẳng định là đã từng có những con người, những dân tộc nào đó đã từng sinh sống trên phần đất Bắc Việt ngày nay nhiều ngàn năm trước khi người Việt đầu tiên di cư đến; nói một cách khác: “Việt Nam không phải là những người đầu tiên đã sinh sống ở Việt Nam”.

Chúng ta không có những chứng cứ sách vở nói về những giống người đã từng định cư sinh sống 10.000 năm, 15.000 năm trước ở châu thổ sông Hồng, chúng ta không biết rõ về họ, nhưng mà chúng ta đã từng đào được những di chỉ Trống Đồng có niên đại xa xưa trên 10 ngàn năm, thời đại thời kỳ còn chưa có mặt tổ tiên dân tộc Việt Nam trên đất nước Trung Hoa, hay trên đất nước Việt Nam bây giờ. Trên mặt những trống đồng, chúng ta nhìn thấy hình ảnh những con người, hình dáng, y phục, văn hóa, nghệ thuật, nhân sinh, tàu thuyền, vân vân, của họ, những cái hoàn toàn xa lạ, rất khác biệt với con người, phục sức, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, rất gần với văn hóa nghệ thuật của Ấn Độ, Ba Tư. Họ là những người chủ nhân của phần đất Bắc Việt trước người Việt Nam, tương tự sự hiện diện của một giống dân đã hoàn toàn mất tích từ nhiều ngàn năm trước khi người Việt đến Miền Nam Việt Nam, một giống dân mà sách vở gọi tên là người Phù Nam, họ là những người đã có mặt ở Miền Nam trước cả người Khmer mà di tích vật dụng của họ hãy còn tìm thấy ở vùng núi Sấp, núi Ba Thê, thuộc tỉnh Long Xuyên, An Giang.

Nguồn gốc, tên tuổi của hai ông bà Tổ Tiên dân tộc Việt Nam, ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, cũng chỉ là những truyền thuyết, những giai thoại, những huyền thoại, không phải là những chính sử, không phải là sự thật. Lạc Long Quân không phải là tên họ của một người, mà chỉ là một vương hiệu, tên của ông Lạc Long Quân theo một số sách sử ghi chép là Sùng Lãm, còn họ của ông Lạc Long Quân sử sách đã không ghi chép rõ, nhưng tổng quát thì lại ghi chép là các Vua Hùng Vương có họ là Hồng Bàng, cho nên có thể suy ra họ của ông Lạc Long Quân cũng phải là họ Hồng Bàng, còn tên là Sùng Lãm, như vậy thì mới là đầy đủ và mới là hợp lý. Quân là danh xưng của một ông vua của một nước nhỏ; vua của một nước trung bình mới được xưng Vương. Các triều đại Hùng Vương là những triều đại của một vương quốc, tức là đã có bề thế lớn hơn thời Lạc Long Quân, lúc mới vừa lập quốc.

Vua của một nước nhỏ thì gọi là Quốc Quân chứ không gọi là Quốc Vương, một Quốc Vương có thể chi phối điều khiển nhiều vị quốc vương khác thì gọi là Bá Vương, thí dụ như là Sở Bá Vương Hạng Võ của Trung Hoa thời Chiến Quốc. Chỉ có ông vua của một nước lớn, thống trị được nhiều quốc gia thì mới được xưng là Hoàng Đế, còn vua các nước nhỏ thì không được; thí dụ như là các Vua nhà Châu của Trung Hoa trước thời Chiến Quốc; thí dụ như là vua Tần Thi Hoàng Đế, ông này đánh dẹp và cai trị cả lục quốc chư hầu, vua Hán Võ Đế thống trị toàn nước Trung Hoa và sai khiến các chư hầu lân bang, vân vân. Các vị vua của Việt Nam phần lớn chỉ được các vị Hoàng Đế hay Thiên Tử của Trung Hoa phong cho chức hầu vương mà thôi, địa vì đối với Trung Hoa chỉ là một Phiên Bang, vị trí nước ta ở phía nam Trung Hoa cho nên họ gọi Việt Nam là Nam Bang, nhiều kẻ hống hách thì gọi là Nam Man, trong mắt nhiều người Trung Hoa phong kiến thì những người lân bang láng giềng của họ đều là “Man Dị Mọi Rợ” cả. Trong lịch sử Việt Nam thì gần như chỉ có một ông vua có đầy đủ hùng tài đại lược, chưa cai trị được toàn nước Việt Nam mà đã dám xưng danh mình là Hoàng Đế, đó là vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Lạc Long Quân chỉ là một vương hiệu nghĩa là vị Vua Rồng của bộ tộc Lạc Việt, còn Âu Cơ cũng không phải là tên họ của một người, chữ Cơ có nghĩa là người vợ của một ông Vua “Quốc Quân”, bà này có thể có họ Âu cho nên gọi là Âu Cơ, tương tự như là Ngu Cơ, người yêu của Sở Bá Vương Hạng Võ của Trung Hoa, hay nhiều tên gọi vợ Vua có chữ Cơ khác của Trung Hoa như Triệu Cơ, Hàn Cơ, Ngụy Cơ, vân vân; Vợ của một Quốc Vương thì mới được gọi là Vương Phi, hay Vương Hậu; chỉ có vợ của Hoàng Đế mới được gọi là Hoàng Hậu. Xét theo nhiều khía cạnh văn hóa, lịch sử thì tên Âu Cơ có thể dùng để chỉ về tên bộ tộc Âu Việt của bà vợ vua Lạc Long Quân mà thôi, không phải là một người đàn bà họ Âu tên Cơ như nhiều tài liệu sách sử đã ghi chép. Ý nghĩa hàm xúc của hai tên họ Lạc Long Quân và Âu Cơ là sự kết hợp của hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt, sự kết hợp đã làm nên một đất nước duy nhất là đất nước Âu Lạc, tiền thân của đất nước Việt Nam, những lời giải thích dông dài trên đây chỉ nhằm tìm ra ý nghĩa của sự kết hợp Âu Lạc, cũng như ý nghĩa và tính chất của tên nước Âu Lạc của Việt Nam dưới thời vua An Dương Vương.

Tiếp theo sự kết duyên Tiên Rồng Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trứng 100 con, không nhất thiết là một cái bọc có trăm trứng như nhiều sách sử ghi chép, có thể chỉ là một cái bọc trứng vì nó có hình dàng tròn như quả trứng, không nhất thiết là một cái trứng nở ra một con người, trăm trứng nở trăm con, không nhất thiết như vậy; có thể hiểu là một bọc trứng cùng lúc nở 100 con. Đây chỉ là một câu chuyện huyền thoại, hay thần thoại, cho nên chuyện gì cũng có thể xảy ra, một bọc trứng nở 100 con, hay một bọc trứng nở 1.000 con đều có thể được cả vì nó là thần thoại, và đều phù hợp với yếu tố Bà Âu Cơ không phải là một người thường mà là một bà Tiên. Có thể nói một cách giản dị dễ hiểu hơn là Bà Tiên Âu Cơ đã sinh ra dân tộc Việt Nam, cũng tương tự như là ý niệm là Thái Dương Thần Nữ đã sinh ra dân tộc Nhật Bản. Những ý niệm tô vẽ Tổ Tiên dân tộc mình là Thần Thánh oai phong, tài giỏi, hay thiêng liêng đều là những chuyện thông thường, không phải chỉ có dân tộc Việt Nam hay dân tộc Nhật Bản, mà nhiều dân tộc trên thế giới cùng có quan niệm này.

Câu chuyện Rồng Tiên kết hợp vợ chồng là một câu chuyện hoàn toàn không có thật, và không cần thiết phải là một câu chuyện thật, là một câu chuyện thần thoại cho nên nó không đòi hỏi một sự kiện khoa học nào hết, nó chỉ là một câu chuyện có tính cách biểu tượng về nguồn gốc Bách Việt của dân tộc Việt Nam. Về mặt lịch sử, câu chuyện biểu tượng văn hóa hùng mạnh và tài giỏi của Cha Thần Lạc Long Quân; đẹp đẽ và hiền hậu, nhân ái và từ tâm của Tiên Mẹ Âu Cơ. Mặt khác, đây còn là một câu chuyện ngụ ngôn về tình huynh đệ, nghĩa đồng bào của nhiều thành phần, nhiều nguồn gốc của người Việt Nam; dù có sự khác biệt nào đi nữa, ngày xưa là sự khác biệt Kinh thượng, bây giờ là sự khác biệt Bắc Trung Nam, thì chúng ta cũng vẫn là những anh chị em cùng một bọc mẹ trăm con của Mẹ Tổ Âu Cơ sinh ra; bao nhiêu lâu chúng ta còn có thể coi nhau là người “đồng Tộc Việt”, còn có thể goi nhau là “đồng bào” thì chúng ta vẫn còn phải gìn giữ và phải nhìn nhận câu chuyện Thần Tiên, Thần thoại “Lạc Long Quân và Âu Cơ”.

Câu chuyện bọc trứng 100 con kể về những sự kiện xảy ra sau cuộc hôn nhân của ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, đó chỉ là tính cách thuần túy trình tự nhân vật của một câu chuyện truyền thuyết, còn tính cách lịch sử của nó thì lại nói về cái nguồn gốc xa xưa của Đại tộc Việt phát nguyên từ vùng Hoa Hạ, lưu vực thượng nguồn hai con sông lớn nhất Trung Hoa là sông Dương Tử và sông Hoàng Hà, chủ yếu là vùng sông nước Động Đình Hồ của Trung Hoa. Sau đó thì Đại Tộc Việt đã bị sự bành trướng của nhiều dân tộc, bộ tộc khác lớn hơn, đông hơn, mạnh hơn, tiêu biểu là Bộ Tộc Hán đánh đuổi. Việt tộc bị phân tán thành nhiều bộ tộc nhỏ cùng chạy về phương Nam, không phải có tới 100 nhóm, có thể chỉ năm mươi bộ tộc và chúng ta đã gọi chung bằng danh từ thậm xưng là Bách Việt: Mân Việt, U Việt, Thương Việt, Âu Việt, Lạc Việt, vân vân.

Hầu hết các bộ tộc Việt trên phần đất Trung Hoa đã bị đồng hóa gần như triệt để thành người Trung Hoa, trên phần lãnh thổ Trung Hoa ngày nay gần như không còn dấu vết gì của những dòng giống Việt tộc xa xưa. Không chỉ đồng hóa có các bộ tộc Bách Việt mà người Trung Hoa còn đồng hóa được rất nhiều bộ tộc khác, kể cả các bộ tộc đã từng có những thời kỳ rất oanh liệt, có dân tộc còn xâm lấn và đô hộ Trung Hoa đến mấy trăm năm, lừng lẫy như Mông Cổ, hùng mạnh như Mãn Thanh. Riêng có hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt đã lập thành những quốc gia riêng, có thể là vì nhờ họ đã đến những vùng đất xa xôi hẻo lánh, tuy nhỏ bé nhưng tự trị.

Khoảng thế kỷ thứ II trước Công Nguyên, hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt đã thống nhất và kết hợp thành một nước duy nhất là nước Âu Lạc dưới thời vua Thục Phán, hiệu An Dương Vương. Trung Hoa vào thời đại mạt Tần, chư hầu nổi lên tranh bá khắp nơi, Hán Sở tranh hùng, thừa cơ loạn lạc chiến tranh, Triệu Đà, một viên quan Thái Thú tài ba của nhà Tần đã đánh chiếm Âu Lạc vào phần đất Quảng Đông, Quảng Tây dưới quyền cai trị của ông ta, thành lập nên nước Việt Nam, xưng vương hiệu và mở ra một triều đại riêng, nhưng sau đó nhà Hán cường thịnh đã chiếm đất nước Việt Nam chia cắt thành nhiều quận huyện của Trung Hoa, ra sức di dân và đồng hóa dân Việt hơn 1.000 năm.

Việt Nam với phần lãnh thổ miền bắc hiện nay chỉ được thực sự tự trị như một quốc gia riêng biệt, có độc lập, có văn hóa, có kỷ cương, vv , từ những thời đại Lý Trần, tức chỉ mới có một lịch sử 1.000 năm trở lại đây mà thôi. Điều này hoàn toàn thực và không có gì phải xấu hổ, nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn muốn chối bỏ sự thực này, nhiều người vẫn thích tự hào về con số thời gian lịch sử 4 ngàn năm, có người còn không chịu con số 4 ngàn năm, mà còn đòi là 5 ngàn năm, 6 ngàn năm, hay thậm chí là con số 7 ngàn năm?! Vinh quang hay giá trị của một đất nước, một dân tộc, một lịch sử, một quốc gia, một văn hóa, một xã hội, vân vân, không tùy thuộc vào một con số nào hết, không tùy thuộc vào một thời gian nào hết, không tùy thuộc vào một không gian nào, mà tùy thuộc vào những yếu tố cụ thể như tính chất, phẩm chất, thực chất, vân vân. Nước Mỹ mới lập quốc có vài ba thế kỷ, các nước Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Canada, vân vân, mới lập quốc cơ chừng 100 năm, hay hơn 100 năm, nhưng những nước này vẫn văn minh, vẫn hùng mạnh, vẫn giàu sang, vẫn tiến bộ, vẫn vẻ vang, vân vân; những cái này mới thực sự là những cái cần thiết, những cái quan trọng, lợi ích chứ không phải cái thời gian lịch sử lâu dài mấy ngàn năm!. Mấy ngàn năm lịch sử mà đen tối thì thật không thể bằng 10 năm cường thịnh, 20 năm rực rỡ, 30 năm vinh quang!

Miền Trung Việt Nam, 500 năm trước hãy còn là phần đất của dân tộc Chiêm Thành, một dân tộc cũng đã từng có những thời kỳ oanh liệt, vẻ vang, hùng mạnh, có lần vua Chiêm còn mang quân đánh vào tận đất Thăng Long là Thủ Đô của Việt Nam; nhưng rồi sau đó, những biến động của lịch sử và sự suy tàn của dân tộc Chiêm Thành đã giúp cho Việt Nam chiếm cứ toàn bộ đất nước Chiêm Thành, toàn bộ lãnh thổ Trung Việt ngày nay. Người Chiêm Thành hiện nay chỉ còn là những nhóm người thiểu số, sống ở những nơi thôn làng hẻo lánh, xa xôi; dấu tích Chiêm Thành ngày nay còn lại chỉ là những cái Tháp Chàm phần nhiều đổ nát, hoang sơ; những Tháp Chàm mang những dấu tích văn hóa, tín ngưỡng khác hẳn với văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, văn hóa tín ngưỡng của người Chàm là văn hóa tín ngưỡng Hồi Giáo có nguồn gốc từ Nam Dương, Mã Lai.

Chúng ta không hề chủ trương xâm lấn đất đai nước này, nước khác, nhưng mà chúng ta cũng không thể bình phẩm công cuộc Nam Tiến của người Việt Nam, hai châu Ô Rí thuộc phần đất Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay là quà Sính lễ của Vua Chiêm xin cưới Huyền Trân Công Chúa đời nhà Trần. Sự kiện mở mang bờ cõi này không thể trách cứ dân tộc Việt Nam, những phần đất đai còn lại mất dần do những lội lầm của dân tộc, quốc gia Chiêm Thành, không thể trách cứ ai. Một dân tộc, quốc gia, nếu không phát triển, không tiến hóa ắt phải tiêu vong, đó là những quy luật của lịch sử, xưa cũng như nay, Đông Tây Kim Cổ không ai có thể tránh được, muốn tồn tại phải tiến hóa, muốn vinh quang, bắt buộc phải tiến bộ, phải văn minh.

Miền Nam còn có một lịch sử mới mẻ hơn nữa, 300 năm trước Miền Nam Việt Nam hãy còn là phần đất của dân tộc Khmer, Miền Nam trước đây có tên là nước Thủy Chân Lạp, không phải là người Việt Nam mang quân xâm chiếm Thủy Chân Lạp mà là các vua Miên đã dâng nạp đất đai cho các Chúa Nguyễn để làm quà chính trị, để nhờ và các Chúa Nguyễn giúp đỡ tranh đoạt ngôi vua Cam Bốt. Miền Nam có lịch sử lập quốc ngắn ngủi, chưa đầy 3 thế kỷ nhưng mà dân số Miền Nam đã tăng nhanh kỷ lục, kinh tế cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nông nghiệp, ngư nghiệp, các mặt văn hóa, giáo dục, xã hội cũng không ngừng phát triển. Sự hiện diện của người Pháp hồi đầu thế kỷ 20, kế đó là sự hiện diện đông đảo của người Mỹ hồi giữa thế kỷ 20, đã làm cho một Miền Nam Việt Nam với rất nhiều nét đặc thù trên mọi mặt: văn hóa, xã hội, kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, thông tin, khoa học, kỹ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, vân vân.

Vì Miền Nam là đất của nước Chân Lạp ngày xưa cho nên hiện nay rất nhiều địa danh vốn là tên của người Khmer đọc trại ra thành tên Việt Nam như Chắc Cà Đao, Mặc Cần Xưng, Xà Tón, Năng Gù, Cái Răng, Cái Khế, Cái Thia, Cái Bè, Trà Ôn, Trà Cú, Trà Kiệu, Trà Bang, vân vân. Người Khmer cũng còn sinh sống ở Miền Nam như một sắc tộc thiểu số, họ thường sống quy tụ thành những làng xóm Miên gần như biệt lập, họ vẫn duy trì được ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, vân vân. Người Miên theo Đạo Phật, hệ phái Tiểu Thừa, giống như các hệ phái Phật Giáo Tiểu Thừa của các nước: Thái Lan, Lào, Miến Điện, Sri Lan ka, vân vân. Chùa chiền của người Miên cũng giống như chùa chiền các nước này, gần như làng Miên nào cũng có một ngôi chùa với lối kiến trúc đặc biệt của người Miên, để người dân tới lễ bái Phật, để các vị Sư Sãi tu hành và thường còn là nơi dạy học cho trẻ em, đây là nơi truyền bá và duy trì ngôn ngữ, văn tự của cộng đồng người Miên.

Người Miên vẫn còn giữ được Phật Giáo Tiểu Thừa với những ngôi chùa Miên rất đặc thù, rất dễ nhận ra, nhưng người Việt đến đây thì không theo Phật Giáo Tiểu Thừa, những người Việt từ Miền Trung, Miền Bắc vào mang theo Phật Giáo Đại Thừa, xây dựng những kiểu chùa chiền và những hình thức tu hành của Bắc Tông, rải rác khắp miền Lục Tỉnh gần như nơi nào cũng có những chùa chiền Đại Thừa hoành tráng, đặc thù Việt Nam. Ngoài Phật Giáo Đại Thừa, một Tông Phái Phật Giáo mang nét đặc thù Việt Nam đã xuất hiện vào thập niên 1940, đó là Tông Phái Phật Giáo Hòa Hảo với vị Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, sinh quán tại làng Hòa Hảo, tỉnh An Giang, Phật Giáo Hòa Hảo không xây dựng chùa chiền mà xây dựng nhiều Giảng Đường để giảng đạo. Cao Đài Giáo cũng là một tôn giáo rất đặc thù của Việt Nam, Cao Đài Giáo không xây dựng Chùa Chiền mà xây dựng những nơi thờ phượng gọi là Thánh Thất Cao Đài Giáo với những hình dạng kiến trúc rất đặc biệt, rất dễ nhận ra. Tòa Thánh Cao Đài quy mô nhất, tiêu biểu nhất của Đạo Cao Đài là Tòa Thánh Tây Ninh, ngoài ra rất nhiều tỉnh thành lớn khác ở Miền Nam như Bến Tre, Mỹ Tho, Long An, vân vân đều có những Tòa Thánh Cao Đài Giáo.

Ngoài những tôn giáo Á Đông, chủ yếu là Đạo Phật với những Tông phái Nam Tông, Bắc Tông, Thiền Tông, vân vân, những tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang chỉ ảnh hưởng bàng bạc trong văn học, nghệ thuật, văn chương, vân vân, không hình thành những tôn giáo riêng biệt. Miền Nam Việt Nam còn là nơi hội tụ và truyền bá của những tôn giáo Tây Phương, những tôn giáo rất xa lạ với người Việt Nam vốn dĩ đã quá quen thuộc với Phật Giáo từ hơn ngàn năm qua. Các Tôn giáo do người Tây Phương mang đến là các đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Báp Tít, vân vân; mạnh mẽ và phổ biến nhất là đạo Thiên Chúa thuộc Tòa Thánh La Mã, những hình ảnh tiêu biểu nhất là những ngôi nhà Thờ to lớn, cao rộng, đẹp đẽ, có những nét đặc thù kiến trúc Tây Phương, khác hẳn với những kiến trúc chùa chiền Á Đông. Người Miền Nam theo các đạo giáo Thiên Chúa không nhiều nhưng phần đông tín đồ Thiên Chúa Giáo sống ở những thành thị lớn, nhiều người có học thức, nhiều người giàu có, trong nhiều thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, họ có rất nhiều quyền thế, địa vị trong chính quyền cũng như ngoài xã hội.

Người theo Đạo Chúa có cuộc sống khá hài hòa với những người theo các Đạo Giáo khác, tuy tín ngưỡng khác nhau, những hình thức thờ phượng khác nhau, lễ lạc khác nhau, nhưng chúng ta không thấy những xung đột nào đáng kể trong xã hội Miền Nam, những sự kỳ thị, bách hại Thiên Chúa Giáo của vua quan triều đình nhà Nguyễn chỉ có trong thời kỳ đầu của việc truyền bá Đạo Thiên Chúa tại Việt Nam. Chính sách kỳ thị và đàn áp Thiên Chúa Giáo của triều đình nhà Nguyễn đã đem lại rất nhiều sự tai hại cho đất nước, dân tộc, một lỗi lầm lịch sử không bao giờ phai mờ và không thể cứu gỡ. Người Pháp sớm thiết lập nền đô hộ Miền Nam Việt Nam cho nên Đạo Thiên Chúa ở đây chẳng những là không bị bách hại, mà trái lại, ở những nơi đô hội lớn như Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, vân vân, những ngày lễ lớn của Đạo Thiên Chúa như ngày lễ Giáng Sinh Đức Chúa Giê Su, tức ngày lễ Noel, không chỉ có những Đạo dân Thiên Chúa Giáo mừng lễ, mà người dân theo hay không theo các Tôn Giáo khác cũng tham gia lễ lạc, vui vẻ, tưng bừng.

Bản tính hiền hòa chân chất của người Miên cộng với những giáo lý từ bi, hỉ xả của Đạo Phật đã làm cho người Miên tại Việt Nam có một cuộc sống thật trầm lắng. Tương tự những thôn làng của người Chàm ở Miền Trung, những thôn làng của người Miên ở Miền Nam thường xa cách với những thôn làng của người Việt, thường ở những nơi hẻo lánh, xa xôi, không thuận tiện giao thông cho nên đời sống của họ khá khép kín, chậm phát triển, họ gần như chỉ sống bằng nghề nông, làm ruộng lúa không có lợi tức gì đáng kể, thường là những người nghèo khổ, vất vả. Những người Miên sống gần thành thị nhanh chóng đồng hóa với ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, vốn lớn hơn và mạnh hơn; cho nên người du khách đến thăm viếng Miền Nam, dù đã dạo khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng ít khi trông thấy người Miên, văn hóa Miên, ngôn ngữ Miên!.

Người Hoa, trái lại là một đặc thù sắc tộc Miền Nam Việt Nam, cộng đồng người Hoa là những di dân ồ ạt bằng tàu đầu tiên của nhân loại, họ là những thuyền nhân mà danh từ bình dân Việt Nam gọi họ là “người Tàu”, ý nghĩa giản dị là những người lạ đến bằng tàu, điều khá tương tự như những cuộc di dân vĩ đại vì nguyên nhân chính trị bằng tàu của người Việt sau biến cố 1975, và những người Việt di cư bằng tàu này cũng đã được gọi tên là những “Boat Peoples”. Từng đoàn từng đợt người Hoa lũ lượt chạy loạn tại Trung Hoa, phần nhiều họ là những quan chức lớn của triều đình nhà Minh và gia đình phải chạy nạn chiến tranh và chính trị, vì Minh Triều tan rã, Trung Hoa bị người Mãn Thanh xâm chiếm, họ tự gọi nhau là người Minh Hương. Họ đã may mắn được các chúa Nguyễn chấp nhận cho nhập cư và cho quyền khai phá đất đai hãy còn hoang vu thưa người canh tác của Miền Nam Việt Nam, phần đất mới được các vua Miên dâng tặng; người định cư khai phá thành công và nổi tiếng nhất là Mạc Cửu ở Hà Tiên.

Người Hoa tuy là định cư ở Việt Nam, nhưng mà họ vẫn sống thành những cộng đồng gắn bó với nhau, họ thường lập thành những Bang Hội đồng hương để giúp đỡ lẫn nhau, kết quả là gần như gia đình người Hoa nào đến Việt Nam sinh sống sau cùng cũng thành công, giàu có sung túc. Người Hoa ở Việt Nam, số ở thành thị họ bắt buộc phải học nói tiếng Việt để giao tiếp với người Việt Nam, nhưng phần lớn họ vẫn cố duy trì ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống của người Trung Hoa, hầu như ở thành thị nào họ cũng có trường học Trung Hoa để dạy chữ Hán cho con em của họ, khiến cho mặc dù ở Việt Nam có khi lâu hàng trăm năm mà họ vẫn giao thiệp với nhau bằng ngôn ngữ, văn tự Trung Hoa, có thể nói là người Hoa ở Miền Nam đã dựng lên rất nhiều Tiểu Quốc Trung Hoa trên phần đất họ định cư; Chợ Lớn có thể coi là một Trung Hoa khác ở Việt Nam.

Người Hoa cũng triệt để giữ gìn những lễ nghi phong tục của Trung Hoa, thậm chí là những ngày lễ lớn của Trung Hoa như Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán cũng đã trở thành những ngày lễ chính thức của người Việt Nam với những lễ nghi hình thức y hệt như người Trung Hoa. Mỗi năm tới ngày lễ Tết Trung Thu, dù chỉ là cái Trung Thu của Trung Hoa chứ không phải là Trung Thu của Miền Nam, nhưng thời gian này, cả người Hoa và người Việt đều vui vầy ăn bánh Trung Thu, treo đèn Trung Thu. Thậm chí ngày nay, khi đã ra sinh sống ở nước ngoài, cái ngày rằm tháng tám Tết Trung Thu của Trung Hoa đã là những ngày đầu Xuân của nước Úc, không có chút dấu vết nào của mùa Thu, nhưng mà cả người Hoa lẫn người Việt đều giữ phong tục tập quán cũ, cũng mừng lễ Trung Thu, cũng ăn bánh Trung Thu, cũng treo lồng đèn Trung Thu. Cả vị Thần người Trung Hoa tôn kính nhất là đức Quan Thánh Đế Quân, tức nhân vật anh hùng Quan Công trong huyện Tam Quốc Chí, họ lập Miếu Chùa thờ tự Quan Thánh khắp nơi cũng được người Việt Nam tôn kính và thờ phượng theo, có người còn thờ tự ông Quan Công ngay trong nhà.

Nêu lên điều này cũng như nhiều điều khác nữa về những ảnh hưởng của lễ nghi, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Trung Hoa đối với người Việt, đối với Miền Nam Việt Nam, chúng tôi không hề có ý chê bai, bài bác, phê bình, kỳ thị gì hết; chúng tôi trân trọng giữ gìn những cội nguồn, văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc, quốc gia mình, nhưng chúng tôi cũng không chủ trương sự kỳ thị những nền văn minh, văn hóa, phong tục tập quán khác; những gì nêu ra ở đây chỉ là những nhận xét khách quan về những nét đặc thù của con người, đất nước, lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, vân vân của Miền Nam Việt Nam như tựa đề của bài viết này.

Chẳng những không kỳ thị mà chúng tôi còn tán thành sự hội nhập những phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng hay đẹp của mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới, phải có những tâm tư khoan ái, những tâm thức khoan hòa với người khác chúng ta mới có sự hòa bình, mới không có chiến tranh, mới không có hận thù, mới có hợp tác, mới có tiến bộ, mới có tiến hóa, mới có tình bạn, tình thương, vân vân. Chúng ta may mắn được sống trên nước Úc, một đất nước có chủ trương tôn trọng mọi nền văn hóa khác nhau, một đất nước có chính sách văn minh, nhân đạo, nhân nghĩa, chính sách “đa văn hóa”, chúng ta càng nên phải tiếp nhận và phát huy những cái hay, những cái tốt, những cái đẹp, vân vân, của mọi nền văn hóa khác, chúng ta không thể chỉ tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng của riêng mình mà không tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người khác.

Nói về sự hội nhập thì người Việt đã hội nhập qua nhiều phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của người Trung Hoa, chúng ta không chống lại ý niệm hội nhập, nhưng mà muốn được lợi thì chúng ta chỉ nên hội nhập những cái tốt, không nên hội nhập những cái xấu, thực tế là người Việt chúng ta đã hội nhập nhiều phong tục tập quán không còn thích hợp, những lễ nghi cúng bái, ma chay cầu kỳ, cử kiêng ngày tháng, bói toán dị đoan, đốt tiền vàng bạc, vân vân và vân vân là những điều cần nên sửa đổi. Có những phong tục, tập quán không còn thích hợp nhưng vì căn cơ trình độ con người mà chúng ta vẫn phải duy trì, thì chúng ta cũng cần nên đơn giản hóa càng nhiều càng tốt, và điều quan trọng là phải hiểu biết ý nghĩa của nó, học hỏi những cái ích lợi thay vì là chỉ duy trì những hình thức có tính cách dị đoan mê tín. Thí dụ như việc thờ tự ông Quan Công là chúng ta thờ tự những đức tính “Trung Hiếu Tín Nghĩa” của ông Quan Công, chúng ta học hỏi và tôn trọng những đức tính này, chứ không phải chúng ta thờ tự ông Quan Công để nhờ ông phò trợ cho chúng ta mua may, bán đắt, làm giàu. Vì nếu như vậy là chúng ta lo hối lộ Thần Thánh, mà đã là Thần Thánh thì không thể hối lộ, nhất là ông Thánh Quan Công, một người thành Thánh là vì những đức tính “Trung Can Nghĩa Khí” hơn người.

Người Pháp đến Việt Nam đã mang lại nhiều thay đổi nhiều mặt cho con người, đất nước, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo cho người Việt Nam, đặc biệt cho Miền Nam Việt Nam. Nói riêng về ngôn ngữ văn tự thì người Pháp và các nhà truyền đạo Thiên Chúa Giáo đã giúp đỡ việc hình thành ra loại chữ Việt ngữ ngày nay, loại chữ viết theo mẫu tự La Tinh, vô cùng tiện nghi, vô cùng thuận lợi. Cứ hãy tưởng tượng là không có công lao của các Giáo Sĩ Thiên Chúa Giáo vì nhu cầu truyền Đạo Thiên Chúa  đã sáng chế chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh, thì chữ viết của Việt Nam ngày nay sẽ như thế nào?! Chữ Việt với mẫu tự La Tinh, nhưng lại có những ngữ nghĩa Hán Việt và Việt Nôm đã hình thành một ngôn ngữ vô cùng độc đáo, một ngôn ngữ vô cùng đặc thù, một ngôn ngữ tổng hợp nhiều nét tinh hoa ngôn ngữ Đông Tây, có nhiều tiềm năng phát triển rất lớn, có khả năng trở thành một ngôn ngữ lớn trên thế giới.

Người Pháp cũng đã tạo ra những cơ hội lớn cho Miền Nam Việt Nam nhanh chóng vượt lên thành một vùng đất văn minh, trù phú, ấm no, nhiều đường xá, cầu cống được xây dựng, nhiều ngành nghề, thợ thuyền chuyên môn được đào tạo, nhiều người Việt Nam được học Pháp ngữ, được tiếp xúc với những ánh sáng văn minh Tây Phương, đặc biệt là việc xây dựng các trường học, các bệnh viện, mở ra các ngành học y khoa thực dụng tân tiến Tây Phương, chăm sóc sức khỏe của người dân. Về tâm lý thì không có một dân tộc nào muốn làm nô lệ, không ai muốn đất nước mình lệ thuộc ngoại bang; ai ai cũng mong muốn độc lập, tự do, hạnh phúc; người Pháp tuy mang tiếng là Thực Dân Xâm Lược đất nước chúng ta, nhưng nếu có được một chút can đảm, một ít công tâm, ít nhiều sáng suốt chúng ta có thể thấy trên thực tế, một thực tế có người không công nhận, họ đã mang lại rất nhiều cơ hội, rất nhiều cơ may mở mang, tiến hóa, tiến bộ, văn minh cho người Việt Nam.

Điều đáng tiếc không hẳn là việc Pháp đã đô hộ Việt Nam trong 100 năm mà điều đáng tiếc rất có thể là điều người Việt Nam đã không biết nắm bắt thời cơ, không biết nắm lấy những thuận lợi, những cơ may của đất nước cho đầy đủ, một cách kịp lúc, kịp thời để hưng thịnh quốc gia, phú cường dân tộc, tiến hóa, văn minh, vân vân. Sự thuần phục triệt để Thanh Triều của Vua Quan nhà Nguyễn trong giai đoạn sinh tử tồn vong của đất nước đã là một sai lầm nghiêm trọng của lịch sử Việt Nam, sự ù lì không thức tỉnh, cách tân, không học hỏi triệt để văn minh Tây Phương của người dân Việt theo lời kêu gọi, theo như chủ trương của nhà ái quốc Phan Chu Trinh là một sai lầm lịch sử nghiệm trọng khác của dân tộc và lịch sử Việt Nam. Nếu như Việt Nam đã không có tiếp xúc với xã hội Tây Phương và vẫn yên lành dưới chế độ vua quan nhà Nguyễn cho đến bây giờ thì xã hội, đất nước, con người Việt Nam sẽ ra sao? Tuyệt đại đa số người dân Việt sẽ là những người nông dân tay lấm chân bùn nhưng có thể ngày ngày họ vẫn vui vẻ hát hò những câu ca dao “ai bảo chăn trâu là khổ, không, chăn trâu sướng lắm chứ”; bá quan văn võ triều đình thì ngày ngày vẫn vào chầu vua, quỳ lạy và tung hô “vạn tuế, vạn vạn tuế”, còn vị Hoàng Đế An Nam thì khỏe quá, tam cung lục viện, cung tần mỹ nữ, sáng chiều hết ngự thiện, tới ngự trò, tha hồ ăn uống, vui chơi, hưởng thụ, cha truyền con nối ngai vàng!

Tiếp theo sau sự hiện diện của người Pháp là sự hiện diện của người Mỹ ở Miền Nam Việt Nam sau Hiệp Định Geneva 1954, không bàn về các yếu tố chính trị, những yếu tố đầy phức tạp và dễ bất đồng quan điểm, chỉ bàn riêng về mặt tiến hóa, văn minh thì người Mỹ cũng đã mang đến cho Miền Nam Việt Nam muôn ngàn cơ may lịch sử để chúng ta có thể phát triển và xây dựng đất nước Việt Nam trở thành văn minh, tiên tiến, phú cường, vân vân. Đây hoàn toàn không phải là những điều võ đoán, vẽ vời, sự hiện diện và giúp đỡ của người Mỹ đã giúp cho nhiều quốc gia thăng tiến, bay cao mọi mặt, Đại Hàn, Đài Loan là những thí dụ vô cùng cụ thể, không có sự giúp đỡ của người Mỹ thì hai quốc gia này không thể tồn tại và phát triển vượt bậc như ngày nay. Người Nhật có tinh thần ái quốc cực cao, họ đã bị Mỹ đánh bại trong Thế Chiến Thứ II, bị 2 trái bom nguyên tử tàn phá gần như hoàn toàn 2 thành phố lớn Hirosima, Nagashaki, nhưng mà họ vẫn có thể hợp tác với Mỹ để rồi nhanh chóng trở lại xây dựng, phát triển đất nước, nhanh chóng tiến bộ, văn minh, hùng mạnh, phú cường.

Chúng ta, dĩ nhiên là vì quá nhiều nguyên nhân, đã bỏ lỡ những cơ may lịch sử để trở thành một quốc gia tiên tiến, một dân tộc văn minh, giàu mạnh, phú cường, vân vân; chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ may và lại hứng chịu quá nhiều thảm họa tai ương của những sự sai lầm: thành kiến, nghi kỵ, hận thù, mê muội, chiến tranh, vân vân; chúng ta đã lãng phí bao nhiêu sinh mạng con người cho những cuộc chiến tranh vô bổ, chúng ta đã lãng phí bao nhiêu thời gian, bao nhiêu công sức cho những trò chơi máu lửa, đao binh tàn tệ, đau khổ. Chúng ta đã phải trả giá quá nhiều, quá cao cho cái mà chúng ta gọi là chủ quyền đất nước, độc lập quốc gia; bây giờ thì đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất từ hơn 30 năm rồi, nhưng chúng ta vẫn chưa có được những gì mà đất nước, dân tộc chúng ta vẫn hằng mong ước, trông chờ, ước mơ, cầu nguyện: cơm áo, tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc, văn minh, phát triển, tiến bộ, tiến hóa, hùng mạnh, phú cường, vân vân.

Chúng ta không thể ngồi nhìn hiện tại khó khăn, không thể quay nhìn quá khứ đau khổ ngậm ngùi, những thái độ này hoàn toàn vô ích; chúng ta có thể nhìn về tương lai, trễ nhưng còn hơn không làm gì cho những lợi ích của quốc gia dân tộc. Nhìn về tương lai chúng ta vẫn còn có rất nhiều cơ hội, rất nhiều cơ may để xây dựng đất nước, để phát triển quốc gia, để thăng tiến con người. Chúng ta có một khối nhân lực, 80 triệu dân trong nước không phải là con số nhỏ, chúng ta có nhiều triệu người Việt hải ngoại ưu tú, nhân tài, kỹ thuật, chuyên viên, vân vân. Chúng ta có những tài nguyên đất nước: rừng núi, cao nguyên, sông rạch, đồng bằng, biển cả, vân vân. Chúng ta còn có những quặng mỏ thiên nhiên dưới thềm lục địa, ở ngoài biển Đông, chúng ta có nhiều cơ may lịch sử, kinh tế, tài chính, kỹ nghệ, vân vân đang chờ, nhưng quan trọng nhất vẫn là tư tưởng, thái độ con người của chúng ta.

Chúng ta đây là danh xưng của cả đại khối dân tộc Việt Nam, chúng ta đây không phải là người này người nọ, phe này phe kia; chúng ta đây là tất cả “đồng bào” của cùng một bọc Mẹ, của Tiên Mẫu Âu Cơ, của Cha Rồng Lạc Long Quân; chúng ta có chịu nhìn nhau như những người anh em ruột thịt chung cùng một dòng máu Việt Nam. Chúng ta nhìn nhau ”đồng bào”, nhưng phải là nhìn nhau “đồng bào” sâu tận đáy lòng chân thật, sâu tận con tim chân thành chứ không phải là chúng ta nhìn nhau “đồng bào” trên chót lưỡi đầu môi như chúng ta đã từng nhìn nhau trong quá khứ: nghi kỵ, chia rẽ, hận thù, ân oán, đấu tranh… Chúng ta nhìn nhau là “dân tộc” nhưng mà chúng ta phải nhìn nhau là “dân tộc” bằng tất cả tâm can, trí não, tâm linh minh triết, giác ngộ, nhân ái, tình thương, vân vân, thì chúng ta mới hy vọng có được những ngày mai tốt đẹp, văn minh, hạnh phúc, ấm no…

Thực tế, hiện nay chúng ta chưa thực hiện được những điều quan trọng và cần thiết này, tương lai chúng ta còn có muôn ngàn trở ngại khó khăn để thực hiện tình thương, bác ái, minh triết, giác ngộ; chúng ta, đại khối dân tộc Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, vẫn còn mang nặng những bóng tối của quá khứ: thành kiến, nghi kỵ, hận thù, sân si, ân oán, bi lụy, khổ đau, vân vân. Làm sao để cái tâm chúng ta có thể mở ra, làm sao để cái trí chúng ta sáng suốt? Đó là những bài toán đố vô cùng khó khăn cho tất cả mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, thế hệ này và cả những thế hệ mai sau. Hiện trạng của đất nước Việt Nam đã như là một con bệnh nặng trầm kha với rất nhiều chứng bệnh gần như bất trị, những món thuốc thông thường không thể trị liệu con bệnh nặng Việt Nam, phải cần có những món thuốc thần tiên kỳ diệu mới mong cứu được con bệnh Việt Nam nghiêm trọng, ngặt nghèo.

Tôi thật tình nghĩ rằng món thuốc thần tiên kỳ diệu có thể chữa trị cho con bệnh nặng Việt Nam ra khỏi những cơn mê: nghèo đói, khổ đau, tụt hậu, chậm tiến, chia rẽ, hận thù, vân vân, chỉ có thể là những món thuốc tâm linh. Những phương tiện tiền tài, vật chất đều cần thiết, nhưng có những thứ còn cần thiết hơn cả vật chất, tiền tài, đó là những tư tưởng, những tâm lý, những tình cảm, vân vân. Những yếu tố tinh thần có khả năng tạo nên tất cả, thí dụ là những tấm gương xây dựng, phát triển đất nước của Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore, vân vân. Những yếu tố Tâm Linh còn có những khả năng to lớn hơn nữa, muốn chữa trị con bệnh nặng trầm kha, ngặt nghèo: chậm tiến, lạc hậu, hận thù, chia rẽ, khổ đau, vân vân, của đất nước Việt Nam, tôi nghĩ rằng chúng ta nhất thiết cần phải có những hạt giống bồ đề Tình Thương, Bác Ái, Từ Bi, vân vân, nẩy mần trong lòng người, những Ánh Sáng Hào Quang Thượng Đế Giác Ngộ, Minh Triết, soi sáng trong tâm trí của tất cả mọi người; không phải chỉ có những suy nghĩ mà đây là những điều chúng tôi luôn luôn mong ước, luôn luôn nguyện cầu, và cũng luôn luôn cố gắng, cố công góp phần, góp sức cho sự thịnh vượng, an bình, hạnh phúc của dân tộc, đất nước Việt Nam.

Giáo Sư Tiến Sĩ Lương Minh Đáng

Tags: , ,

No comments yet.

Leave a Reply